Tại hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC): những vấn đề cần lưu ý đối với doanh nghiệp (DN) nông thủy sản Việt Nam do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 28-12 tại TP.HCM các chuyên gia cho rằng, việc tham gia AEC và hoàn tất đàm phán EVFTA đã và đang có tác động không nhỏ đến lĩnh vực nông nghiệp.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, trong khi ASEAN là thị trường có hơn 620 triệu người tiêu dùng, GDP đạt trên 3.000 tỷ USD, thì thị trường EU càng tiềm năng hơn với quy mô khoảng 508 triệu người tiêu dùng, GDP đạt mức 18.510 tỷ USD. Tham gia các khu vực thương mại tự do này, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ có cơ hội tận dụng và phát huy ưu thế của thị trường chung của 10 nước ASEAN, cùng với các nước ASEAN thành lập “câu lạc bộ” các nước xuất khẩu (XK) lớn các mặt hàng nông thủy sản, cũng như mở rộng thị trường XK tới toàn bộ 28 nước thuộc EU nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, hạn ngạch và thuận lợi hóa thương mại.
Theo ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chuyên gia chính Dự án EU-MUTRAP, khi FTA Việt Nam –EU (EVFTA) có hiệu lực và AEC hình thành hầu hết các sản phẩm nông nghiệp XK của Việt Nam sẽ được loại bỏ thuế quan, hàng rào phi thuế cũng được giảm thiểu, tạo điều kiện cho XK. EU và ASEAN đều là những thị trường XK lớn của Việt Nam (EU chiếm 24%, ASEAN chiếm 16% tổng kim ngạch XK). Đây là những thuận lợi và cơ hội để đẩy mạnh XK vào thị trường này. Các DN nông nghiệp nước ta có điều kiện đầu tư và thiết lập hệ thống phân phối để kinh doanh nông sản nhất là nông sản sản xuất ở Việt Nam trên thị trường các nước ASEAN nếu nông sản có sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thách thức và cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt hơn. Đối với EVFTA là các sản phẩm chăn nuôi (chủ yếu là thịt lợn, thịt gà sản phẩm sữa) và giấy. Đối với AEC, khi hình thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất thì sức ép cạnh tranh sẽ đến với không ít sản phẩm nông nghiệp và hệ thống phân phối của Việt Nam. Với sản phẩm nông nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn từ cao su, cà phê, tiêu từ Indonesia, Malaysia; Gạo, rau quả từ Thái Lan, Campuchia và Myanmar, và cả đường từ Thái Lan, Lào sau năm 2018 khi thuế NK đường chỉ còn 5%.
Cùng với đó, hệ thống phân phối của Việt Nam cũng sẽ bị các nhà phân phối ASEAN gia tăng áp lực. Những DN này có thể tự do đưa nông sản sản xuất từ nước họ sang phân phối tại thị trường Việt Nam nếu nông sản của Việt Nam kém cạnh tranh hơn từ đó sẽ tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nông dân và các hộ kinh doanh nhỏ, hiện đang chiếm tỉ trọng lớn trong hệ thống phân phối của Việt Nam. Hàng rào kĩ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ngặt nghèo hơn. Nếu nông sản của ta không đáp ứng được tiêu chuẩn thì dù thuế NK có bị loại bỏ vẫn không XK được và người dân sẽ quay lưng lại với nông sản Việt.
Theo các chuyên gia, để có thể tận dụng cơ hội từ AEC và EV FTA, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Ngoài ra, do cơ cấu sản xuất của các nước ASEAN khá tương đồng, có cùng lợi thế đối với nhiều mặt hàng, nên các DN phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được. Lợi ích của AEC và EVFTA sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu từng DN nắm bắt đầy đủ nhất các nội dung cam kết để có thể vận dụng tối đa các ưu đãi cũng như sẵn sàng đối phó với sức ép cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh, ngày càng tham gia sâu vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.
Theo Báo hải quan