Xuất nhập khẩu tăng nhanh
Nhờ các chính sách của Chính phủ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh XNK, đồng thời Việt Nam đã gia nhập cộng đồng chung ASEAN, WTO cũng như nhận được nguồn vốn FDI, ODA lớn từ nhiều nước nên một số sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của nước ta không những đứng vững ở thị trường trong nước, mà còn có khả năng vươn ra thị trường nước ngoài, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2000 đánh dấu mốc phát triển quan trọng, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,45 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của nước ta đạt 180 USD/năm. Những năm sau đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng và cán mốc 162,11 tỷ USD vào năm 2015 với các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, dầu thô, gạo, cà phê và hàng thủy sản.
Song song với chủ trương khuyến khích mạnh mẽ xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu cũng được xác định có vai trò hết sức quan trọng. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2000 – 2015 đạt trung bình khoảng 18%/năm. Trong những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn gia súc, phân bón, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có quy mô lớn. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam gồm có máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, sắt thép các loại, xăng dầu thành phẩm các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày và các sản phẩm từ chất dẻo. (biểu bên)
Thực trạng bảo hiểm hàng hóa XNK
Hoạt động bảo hiểm cho hàng hóa XNK do các công ty bảo hiểm Việt Nam tiến hành vẫn tăng trưởng với tốc độ không cao, trung bình 10%/ năm. Thực trạng trên là do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Hoạt động XNK của nước ta chủ yếu áp dụng phương thức xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB và nhập khẩu theo điều kiện giao hàng CIF. Điều này đã hạn chế khả năng ký kết của các công ty bảo hiểm Việt Nam. Đối với hoạt động nhập khẩu, nếu nhập theo điều kiện CIF, quyền vận tải và quyền bảo hiểm thuộc phía nước ngoài. Với các quyền đó, đối tác nước ngoài tùy ý thuê tàu và mua bảo hiểm. Theo lẽ thường họ ký hợp đồng với các công ty của nước mình, các công ty bảo hiểm nước ngoài vì thế có điều kiện phát triển hơn.
Hai là: Kinh nghiệm hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn hạn chế, chưa mang tầm quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam đang XNK hàng hóa sang thị trường nước ngoài thường gặp phải một số vấn đề như: Rủi ro với hàng hóa XNK trong quá trình vận chuyển, trách nhiệm của người vận chuyển, rủi ro trong thanh toán, trách nhiệm của sản phẩm và trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp trong quá trình giao thương với đối tác bao gồm cả những thiệt hại không lường trước. Việc xử lý bồi thường ở nước ngoài thường khó khăn do các công ty bảo hiểm không có đại lý, đại diện tại nước xảy ra tổn thất, đặc biệt đối với các vụ tổn thất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Thêm vào đó, trình độ cán bộ làm công tác bảo hiểm của Việt Nam còn bất cập so với đòi hỏi của thị trường, làm giảm sức thuyết phục khi các nhà đàm phán ngoại thương yêu cầu đối tác nước ngoài trao cho ta quyền mua bảo hiểm.
Ba là: Các nhà XNK Việt Nam đã quen với tập quán thương mại xuất khẩu theo điều kiện FOB, nhập khẩu theo điều kiện CIF. Mặc dù tập quán cũ này đã dần thay đổi khi kim ngạch XNK của Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, với phương thức giao hàng như trên, phía Việt Nam sẽ tránh được nghĩa vụ thuê tàu và mua bảo hiểm, đôi khi công việc này khó thực hiện do phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác nước ngoài trong bối cảnh năng lực hoạt động của hệ thống các công ty logistics và đội tàu biển Việt Nam còn hạn chế. Đa phần doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất… Điều này thực sự bất lợi cho các doanh nghiệp XNK hàng hóa khi họ muốn sử dụng dịch vụ trong nước…
Cần nâng cao tỷ trọng tham gia bảo hiểm trong nước
Ở tầm vĩ mô, nâng cao tỷ trọng hàng hóa XNK tham gia bảo hiểm trong nước có tác dụng góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Với hoạt động xuất khẩu theo điều kiện CIF, hàng hóa được chuyên chở bằng tàu trong nước và được công ty bảo hiểm trong nước bảo hiểm sẽ tạo nguồn thu ngoại tệ vì chi phí vận tải và phí bảo hiểm về thực chất được tính vào giá hàng và do phía nước ngoài trả. Nhập khẩu theo điều kiện FOB có tác dụng giảm chi ngoại tệ, trong trường hợp này chúng ta chỉ phải chi ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, mà không phải chi tiền nhập dịch vụ vận tải đường biển và dịch vụ bảo hiểm của nước ngoài như trước đây.
Đối với các công ty XNK, nếu đơn bảo hiểm được ký kết với các công ty bảo hiểm Việt Nam, công ty XNK tránh được những phiền phức về thủ tục pháp lý, ngôn ngữ, địa lý… có thể sẽ gặp phải khi sự cố bảo hiểm xảy ra. Trong trường hợp công ty bảo hiểm Việt Nam không đủ năng lực, phía Việt Nam vẫn có lợi do chúng ta có điều kiện lựa chọn công ty uy tín bảo hiểm cho hàng hóa của mình, đồng thời lựa chọn các điều khoản bảo hiểm phù hợp với tình hình tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của công ty. Hơn nữa, tập quán thương mại quốc tế chỉ yêu cầu bên xuất khẩu mua bảo hiểm ở mức độ tối thiểu. Nhà nhập khẩu muốn an toàn hơn cho tài sản của mình phải ký các hợp đồng bổ sung. Như thế, suy cho cùng, công ty nhập khẩu Việt Nam vẫn phải mua bảo hiểm trong trường hợp nhập khẩu CIF. Công ty sẽ chủ động hơn nếu giành được quyền mua bảo hiểm thông qua hợp đồng nhập khẩu FOB hoặc C&F.
Kim ngạch hàng hóa XNK tham gia bảo hiểm trong nước tăng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển. Theo nguyên lý số đông, lượng khách hàng tham gia càng lớn công ty bảo hiểm càng có điều kiện phân chia rủi ro giữa các đối tượng bảo hiểm, tránh cho công ty trước những tổn thất lớn ảnh hưởng không tốt đến tài chính công ty. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa XNK nước ta trong những năm qua luôn ở mức thấp, khoảng 30 – 35%.
Một số đề xuất
Để nâng cao tỷ trọng hàng hóa XNK được bảo hiểm trong nước, trước tiên cần có sự cố gắng nỗ lực của chính các công ty bảo hiểm. Ngành bảo hiểm Việt Nam cần không ngừng nâng cao năng lực bảo hiểm lên ngang tầm quốc tế. Phải có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông kỹ thuật nghiệp vụ, hiểu luật pháp quốc gia, quốc tế, có nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trước khách hàng; phải đa dạng hóa sản phẩm, khai thác triệt để thị trường trong nước. Bên cạnh đó, phải có chiến lược nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh và tạo uy tín để các công ty bảo hiểm Việt Nam có thể ký các hợp đồng bảo hiểm cho những tài sản có giá trị lớn với các công ty XNK nước ngoài…
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các công ty XNK ký kết hợp đồng theo điều kiện xuất khẩu CIF, nhập khẩu FOB hoặc C&F như: Giảm thuế XNK cho chủ hàng nào tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, hoặc giảm thuế doanh thu hay thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục hải quan, hoặc chủ hàng được giao hạn ngạch XNK cao hơn so với những chủ hàng không tham gia bảo hiểm tại Việt Nam…
Đối với các công ty XNK, cần nhanh chóng thay đổi tập quán thương mại cũ, chuyển từ phương thức xuất khẩu FOB, nhập khẩu CIF sang xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB. Sự phối kết hợp hỗ trợ nhau cùng phát triển của 3 lĩnh vực: XNK, bảo hiểm hàng hải, và logistics có một ý nghĩa quan trọng.
Ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa nói riêng, cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, tăng cường tiềm lực tài chính… để hội nhập thành công và cạnh tranh có hiệu quả với các công ty bảo hiểm nước ngoài, tạo cơ sở nâng cao tỷ trọng kim ngạch hàng hóa XNK tham gia bảo hiểm trong nước. |
Theo báo Công thương