Gỡ vướng về chính sách thuế và hải quan cho doanh nghiệp EU tại Việt Nam

Hàng loạt vướng mắc liên quan đến chính sách thuế và hải quan do các DN châu Âu đang đầu tư tại Việt Nam đưa ra đã được Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) giải đáp thỏa đáng tại hội thảo trao đổi về những thay đổi trong chính sách về thương mại, hải quan và thuế tại Việt Nam do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức vừa qua.

CBCC Hải quan Ninh Bình (Cục Hải quan Hà Nam Ninh) tận tình hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan. Ảnh: H.Nụ.

Về áp dụng biện pháp kiểm tra trị giá hải quan

Thời gian qua quan hệ đối tác Hải quan – DN luôn trở thành hoạt động thường xuyên của cơ quan Hải quan các cấp; góp phần xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận giữa DN và hải quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật hải quan. Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đều lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản (DN có hoạt động XNK; các hiệp hội…) và đăng tải toàn văn dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan ít nhất là 60 ngày…

Nhiều DN EU bày tỏ, đã có những trường hợp thiếu chính xác và nhất quán của các tờ khai hải quan đã ảnh hưởng đến tính chính xác của các giá trị giao dịch. Do đó, nhiều DN muốn biết quan điểm của Tổng cục Hải quan về vấn đề này?Đại diện cho Tổng cục Hải quan, ông Vũ Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trên cơ sở áp dụng hiệp định chung về thuế quan và thương mại, cũng như theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ, Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính đã quy định trị giá hải quan hàng NK là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá tính thuế.

Theo đó, quy định Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC, người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực về việc khai báo nêu trên. Cũng tại Điều 25 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra trị giá hải quan do người khai hải quan khai báo trên tờ khai hải quan để xác định các trường hợp có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo và các trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo nhưng chưa đủ cơ sở để bác bỏ. Trường hợp có nghi vấn về trị giá nhưng chưa đủ cơ sở bác bỏ thì DN được lựa chọn tham vấn hoặc đề nghị kiểm tra sau thông quan. Trường hợp DN đồng ý với cơ sở bác bỏ trị giá khai báo thì thực hiện khai bổ sung, trường hợp không đồng ý với cơ sở bác bỏ thì chuyển sau thông quan.

Trường hợp DN bị tổn thất từ lỗi của cơ quan Nhà nước, lúc đó cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bồi thường hoàn trả theo yêu cầu của DN hoặc DN có thể khởi kiện ra tòa hành chính. Như vậy, việc áp dụng biện pháp kiểm tra trị giá đã được quy định rõ tại các văn bản pháp luật và nguyên tắc, các phương pháp xác định trị giá được tuân thủ theo Hiệp định trị giá WTO.

Liên quan đến quy trình khiếu nại & xử lý vi phạm

Đại diện Đại sứ quán Anh đề nghị cơ quan Hải quan cho biết quy trình khiếu nại, xử lý của cơ quan Hải quan để DN thấy được công bằng, minh bạch?

Về vấn đề này, theo ông Vũ Văn Hải, khi DN hoặc cơ quan Hải quan không đồng tình ý kiến với nhau, có thể cùng ngồi lại để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, khi DN không đồng ý với kết luận của cơ quan quản lý thì có thể khiếu nại. Trình tự được quy định cụ thể tại Luật Khiếu nại tố cáo và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Theo đó, tổ chức, cá nhân không đồng thuận với kết luận của cơ quan quản lý có thể gửi đơn lên cấp có thẩm quyền để được giải quyết. Cụ thể, khi làm thủ tục tại một chi cục hải quan địa phương, nếu DN nhận thấy đơn vị này ra quyết định không đúng, hoặc áp sai thuế, DN có quyền khiếu nại lần 1 đến cục hải quan để được giải quyết, nếu lần 1 vẫn không thỏa đáng, DN có quyền gửi khiếu nại lần 2 đến Tổng cục Hải quan. Ở lần 2, DN vẫn không đồng tình với quyết định của cơ quan Hải quan thì có thể gửi khiếu nại về thuế, hải quan đến Bộ trưởng Bộ Tài chính để được giải quyết và có thể khởi kiện ra tòa hành chính khi DN không đồng tình với quyết định của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều DN cũng thắc mắc vì phải đối mặt với mức xử lý vi phạm trong lĩnh vực hải quan quá cao so với bản chất thực sự của sai phạm?

Theo ông Vũ Văn Hải, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Theo đó, Nghị định 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ) được xây dựng theo nguyên tắc trên.

Các chế tài xử phạt được xây dựng phù hợp với tính chất mức độ của hành vi vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm về thủ tục (lỗi hành chính đơn giản) đều được xây dựng có mức phạt thấp (từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng), mức phạt này là phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Do đó, đề nghị DN nêu cụ thể tình huống để có Tổng cục Hải quan có cơ sở trả lời cụ thể hơn.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý

Tại hội thảo, một số ý kiến của DN bày tỏ vui mừng bởi thời gian qua khung pháp lý về hải quan ở Việt Nam đã từng bước được cải thiện theo hướng linh hoạt và minh bạch hơn. Tuy nhiên, DN mong muốn khung pháp lý này nên được điều chỉnh hơn nữa để tạo điều kiện tốt hơn cho DN?

Tổng cục Hải quan đã đưa ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, tuân thủ chủ trương về cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế; xây dựng hệ thống pháp luật hải quan hiện đại bao gồm đầy đủ các quy định về: thủ tục hải quan, chế độ quản lý hải quan và các cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, các quy định về quản lý thuế, kiểm soát biên giới, chế tài, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, quy định quyền hạn của cơ quan hải quan tương xứng với trách nhiệm thực thi pháp luật hải quan, pháp luật thuế và pháp luật khác có liên quan.

Ông Vũ Văn Hải cho biết, để điều chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng linh hoạt, minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho DN hệ thống thể chế, quy trình thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thiện theo hướng tuân thủ các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu mô hình thủ tục hải quan điện tử. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan tăng cường phương thức điện tử, giảm tỷ lệ can thiệp, giảm thủ tục, giấy tờ và thời gian xử lý hướng đến thủ tục hải quan được thực hiện “mọi nơi – mọi lúc – mọi phương tiện”.

Ông Vũ Văn Hải nhấn mạnh, hiện ngành Hải quan đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến được tiếp tục mở rộng với mức độ cao nhất đối với các thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện trên Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS), Cổng thông tin điện tử hải quan trên phạm vi toàn ngành Hải quan. Cơ chế DN ưu tiên được triển khai mở rộng về số lượng, đảm bảo thủ tục và an ninh theo các chuẩn mực của WCO, với cơ chế công nhận lẫn nhau được áp dụng với một số hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới. Công tác quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ được triển khai sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ hải quan, tại các khâu trước, trong, sau thông quan; từng bước xây dựng môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN. Cơ chế một cửa hải quan quốc gia được mở rộng kết nối và triển khai các thủ tục đến toàn bộ các bộ, ngành có liên quan; tham gia đầy đủ vào Cơ chế một cửa ASEAN; bước đầu triển khai kết nối trao đổi thông tin nghiệp vụ với hải quan một số nước trên thế giới, WCO. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế, góp phần tạo thuận lợi thương mại.

Theo báo Hải quan