Bất cập trong quản lý hàng hóa miễn thuế phục vụ đóng tàu

Hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu phục vụ cho việc đóng tàu được miễn thuế theo quy định tại điểm b khoản 16 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 và Điều 17 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ “quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”.

Cần có quy định rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của công tác quản lý hàng miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ đóng tàu. Ảnh: S.T.

Để được miễn thuế doanh nghiệp phải thực hiện xây dựng và thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế dự kiến nhập khẩu với cục hải quan nơi thực hiện dự án hoặc cục hải quan nơi DN đóng trụ sở chính theo Điều 30, 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì “Danh mục miễn thuế được xây dựng một lần cho dự án, cơ sở sản xuất, hoạt động sử dụng hàng hóa miễn thuế, hoặc xây dựng theo từng giai đoạn, từng hạng mục, từng tổ hợp, dây chuyền phù hợp với thực tế và hồ sơ tài liệu thực hiện dự án, cơ sở sản xuất, hoạt động sử dụng hàng hóa miễn thuế, sau đây gọi chung là dự án”.

Đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ cho việc đóng tàu thì áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định 134/2016/NĐ-CP sẽ không phù hợp vì việc đóng tàu là công việc thường xuyên hàng năm của doanh nghiệp theo nhu cầu thực tế, chỉ có các hợp đồng đóng tàu, sửa chữa tàu mà không có căn cứ nào để chia thành các dự án hoặc từng giai đoạn, từng hạng mục thực hiện dự án hay là toàn bộ dự án.

Trường hợp doanh nghiệp xây dựng danh mục miễn thuế và thông báo cho cơ quan Hải quan theo từng con tàu (nếu giả sử xem đóng hoặc sửa chữa mỗi con tàu là một dự án) thì sẽ phát sinh bất cập là khi doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm để dùng chung đóng cho nhiều con tàu khác nhau trong cùng thời điểm hoặc nguyên vật liệu dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng đóng tàu, sửa chữa tàu mà doanh nghiệp chuyển đóng những con tàu tiếp theo sẽ thực hiện quản lý như thế nào? Trường hợp này không thể xem là việc thay đổi mục đích sử dụng miễn thuế để dùng tờ khai chuyển đổi mục đích sử dụng vì doanh nghiệp không hề thay đổi mục đích miễn thuế, doanh nghiệp vẫn sử dụng đúng mục đích là phục vụ đóng tàu, nên mọi chính sách đối với hàng hóa này đều không khác so với mục đích được miễn thuế ban đầu (khi sử đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng mới thì chính sách thuế, chính sách chuyên ngành đối với hàng hóa, tỷ giá, phân luồng,… đều phải áp dụng lại tại thời điểm này. Ví dụ: nếu hàng đã qua sử dụng thì phải chịu chính sách quản lý hàng đã qua sử dụng, nếu hàng trước đây không cấm nhưng nay cấm thì cũng không được nhập,… doanh nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí và rất nhiều điều vô lý, bất cập khác sẽ gặp phải nếu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng trong trường hợp này). Còn nếu quản lý đối tượng hàng hóa miễn thuế này theo năm tài chính của doanh nghiệp thì khi doanh nghiệp xây dựng Danh mục miễn thuế cho cả năm sản xuất sẽ không đầy đủ, do chu kỳ quá dài, cũng không dự kiến nhập khẩu hàng được trước vì phát sinh theo yêu cầu của đối tác, dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh rất nhiều lần, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan quản lý theo dõi.

Nên chăng cần có quy định rõ ràng hơn đối với trường hợp này để doanh nghiệp và cơ quan Hải quan dễ thực hiện hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của công tác quản lý hàng miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ đóng tàu. Đối với trường hợp trên nên cho phép thực hiện quản lý nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm theo năm tài chính. Tuy nhiên chu kỳ thông báo danh mục miễn thuế do doanh nghiệp lựa chọn và thống nhất trước với cơ quan Hải quan theo hình thức quý, 6 tháng, năm theo nhu cầu sản xuất thực tế, đồng thời doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thông báo việc sử dụng hàng hóa miễn thuế trong năm tài chính theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể nghiên cứu đề xuất một giải pháp quản lý khác đơn giản hơn, hợp lý hơn, dễ thực hiện hơn trong việc quản lý đối với đối tượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế phục vụ đóng tàu nói riêng cũng như có thể áp dụng rộng ra cho các đối tượng là hàng hóa miễn thuế khác nói chung.

Lý Văn Đông (Hải quan Quảng Ngãi)